Những thứ giá trị nhất

truyện ngắn, cuộc sống, hạnh phúc

Hồi đó, vùng chúng tôi ở chỉ cách trận cháy lớn nhất trong lịch sử Colorado có vài dặm. Chúng tôi được lệnh “phải sẵn sàng sơ tán” – tức là nếu nghe thấy thông báo “di tản” một cái là chúng tôi phải vơ lấy bất kỳ thứ gì muốn giữ và rời đi ngay lập tức, nhanh hết mức có thể.

Chúng tôi sắp xếp vali với một ít quần áo và vật dụng cá nhân, đồ vệ sinh rồi đặt sẵn ở cạnh cửa. Chúng tôi còn sẵn sàng “di cư” cả hai chiếc máy tính, bởi vì bố mẹ tôi phải dùng chúng để làm việc còn tôi thì phải học. Bố tôi cũng đóng gói những cuốn sách – đó là những thứ bố không thể sống một ngày mà thiếu chúng. Chúng tượng trưng cho tuổi thơ và cả lẽ sống của bố. Mẹ tôi thì hì hụi sắp xếp các hoá đơn, hồ sơ tài chính… Cũng phải thôi, ai mà muốn lằng nhằng hàng năm trời để đi xin cấp lại những giấy tờ bị mất?

Còn gì nữa? Chị tôi vội vã gỡ hết những bức ảnh gia đình treo trên tường và xếp chúng vào những hộp bìa đựng cả những cuốn album ảnh và nhật ký của chúng tôi – đó đều là những vật mang tính tình cảm rất cao mà không thể thay thế được.

Thế rồi cả nhà chúng tôi cùng săm soi xem những gì còn lại. Vẫn còn một chiếc đèn ngủ mà cụ tôi để lại. Nó là kỷ vật được giữ qua mấy đời này, như một biểu tượng của gia đình.

Và còn một cái đàn piano cỡ nhỏ mà Bev – em út của chúng tôi – đã học chơi khi nó còn bé xíu. Bản thân nó không có giá trị cao lắm, nhưng lại là một “món đồ gia đình” mang theo đầy cảm xúc và kỷ niệm.

Mẹ tôi cứ than thở tiếc những thứ từng thuộc về ông bà tôi: một chiếc chăn bà tự khâu và một chiếc giá sách do ông đóng. Còn những món quà từ họ hàng và những người bạn thân nữa. Tất cả đều tượng trưng cho những mối gắn kết giữa con người với nhau và mang những kỷ niệm mà chúng tôi trân trọng, nhưng nếu phải sơ tán thì không có cách nào mang theo được.

Gia đình chúng tôi chưa bao giờ quá coi trọng vật chất, nhưng cứ nghĩ phải bỏ lại một số thứ đã gắn bó với mình lâu dài, hoặc do những người thân thiết tự tay làm tặng, để rồi chúng có thể bị phá huỷ mãi mãi, khiến cả nhà cứ buồn thiu. Bởi tất cả những món đồ đó đều tượng trưng cho sự thương yêu và tình thân gia đình, bạn bè. Mỗi món đồ đều mang trong mình một câu chuyện để kể. Một số thứ còn như tiếng nói của ông, bà, những người bạn…

Trận cháy đã không lan đến nhà chúng tôi và chúng tôi không phải sơ tán – thật đáng mừng. Và dù tôi cảm thấy thật biết ơn vì mọi thứ trong nhà đều được giữ nguyên. Nhưng tôi cũng nhận ra, rằng cuộc sống của mình giàu có đến mức nào. Không phải ở những thứ chúng tôi sở hữu, mà ở những tình cảm yêu thương mà hàng ngày có thể tôi không để ý tới.

Có ai đó đã từng nói: “Có những người thiếu thốn đến mức độ thứ duy nhất mà họ có là tiền bạc”. Và bây giờ thì tôi biết mình thật sự rất đầy đủ: ở bạn bè và gia đình; ở những kỷ niệm; ở tất cả những điều quan trọng nhất trong cuộc sống này.

Hãy thử đặt ra tình huống tương tự, và nghĩ xem bạn muốn giữ lại những thứ gì trong nhà mình. Rồi bạn cũng sẽ nhận ra rằng mình có rất nhiều, rất đủ đầy và giàu có, như tôi.

Steve Goodier

Thục Hân (dịch)

Nhận xét