Chuyến xe băng qua công viên


Tôi làm như thế vì Beth. Thật đấy – đúng là vì Beth.

Chúng tôi hơi bị muộn một chút, mà tôi thì không muốn Beth bị đánh dấu đi học muộn ngay vào đầu năm học. Cho nên khi tôi phát hiện ra hàng dãy những ô tô và xe máy và xe đạp đang nối đuôi nhau ở con đường cạnh công viên, chờ rẽ vào đường lớn phía trước, tôi bỗng trở nên… bạn biết đấy… hơi lo lắng một chút.


“Đi đi nào” – Tôi lẩm bẩm… bạn biết đấy… là tôi nói với những người xung quanh mình, mặc dù tất nhiên là chẳng ai nghe thấy – “Đi nhanh lên đi! “Quyết liệt” lên nào!”.

“Ừm, anh à…” – Beth nói từ sau lưng tôi – “Em không nghĩ là họ nghe thấy anh nói đâu”.

Beth mới lên lớp 6 và con bé chưa biết đi xe đạp. Nó chẳng có kinh nghiệm đi xe trên đường phố. Nhưng rồi sớm thôi, nó sẽ biết việc giữ bình tĩnh khi đi trên đường là khó đến mức nào.

Như buổi sáng hôm nay, thì khó ai có thể giữ bình tĩnh được. Những hàng xe hình như chẳng nhúc nhích. Mà thời gian thì cứ trôi. Và nhà trường thì sẽ không chờ Beth tới rồi mới đóng cổng.

Nên tôi quyết định làm theo lời khuyên của chính mình. Tôi quyết liệt… lao xe đạp về phía trước, rẽ ra khỏi con đường và lao vào bãi cỏ của công viên. Tất nhiên việc này là phạm luật. Nhưng tôi phi rất nhanh qua công viên và rồi rẽ vào đường lớn theo ngả đó. Hành động của tôi thành công một cách ấn tượng đến mức khi tôi liếc vào gương chiếu hậu, tôi để ý thấy ai đó đi chiếc xe đạp màu xanh da trời cũng phóng theo tôi.

Bỗng nhiên, lần đầu tiên trong đời, tôi hiểu được môn đua xe. Tốc độ. Chiến lược. Cảm giác mạnh.

Rất tự hào với thành công của mình, tôi ngoái về phía sau lưng nhìn Beth, lúc này trên mặt con bé là cái vẻ giống y như khi nó xem bộ phim về một cô bảo mẫu phải thỏa hiệp với một tên cướp điên khùng đột nhập vào nhà.

- Ừm, em không cần phải kể với mẹ về việc anh rẽ vào công viên đâu nhé – Tôi nói.

- Anh đừng lo – Con bé đáp trong khi móng tay bấu chặt vào hông tôi – Mẹ lúc nào cũng biết là anh phóng xe như điên mà.

Tôi mỉm cười. Đối với một “tay đua” như tôi, đây được coi là một lời khen.

Thả Beth ở trường vừa kịp giờ, tôi quay xe về trong cảm giác chiến thắng. Tôi gần như có thể tưởng tượng ra cảnh đồng đội bắn pháo hoa mừng thành công của mình.

“Tôi đã làm việc này vì Beth!” – Tôi nghĩ mình sẽ kêu lên như thế khi những ánh đèn flash của máy ảnh nhấp nháy liên hồi để chụp tôi.

Tôi vẫn cảm thấy lâng lâng cho đến khi tôi đi xe đến gần công viên trên đường về và để ý thấy đèn xanh và đỏ của xe cảnh sát đang nhấp nháy ở chính gần lối rẽ vào bãi cỏ công viên. Lại gần hơn, tôi có thể thấy một chiếc xe cảnh sát đỗ bên cạnh chiếc xe đạp màu xanh da trời – chính chiếc xe màu xanh da trời mà tôi đã thấy đi theo tôi băng qua bãi cỏ công viên lúc nãy. Cậu bé đi xe đạp – trông chỉ hơn Beth khoảng vài tuổi – đang ngồi trên băng ghế công viên, tay cầm chiếc mũ lưỡi trai, mặt hết sức lo lắng, chờ đợi “tuyên bố” của cảnh sát.

Tôi thấy rất xấu hổ khi phải thừa nhận rằng ý nghĩ đầu tiên của tôi là: “Phù! May mà mình né được “đạn” – hay ít nhất, là né được một chiếc vé phạt của cảnh sát”. Thế rồi cảm giác tội lỗi bỗng đến. Tôi băn khoăn về “vai” của mình trong toàn bộ tình huống kịch tính nho nhỏ có liên quan đến cảnh sát ở công viên này. Liệu có phải cậu nhóc kia đã phóng xe vào bãi cỏ công viên vì cậu ấy đã nhìn thấy tôi làm như thế? Liệu cậu ấy có nghĩ đến việc phạm luật nếu tôi đã không “mở” ra một con đường có vẻ thật khôn ngoan và “quyết liệt”? Và tôi đã dạy em gái tôi – một cô bé con chưa biết đi xe đạp – điều gì về việc đi xe an toàn, tỉnh táo và có trách nhiệm?
Chuyến xe băng qua công viên

Một trong những điều có ý nghĩa nhất mà những người lớn hơn có thể để lại cho những người nhỏ hơn mình, đó là sức mạnh của tấm gương. Rõ ràng, tôi đã thất bại nặng nề trong việc làm gương cho em tôi. Tôi có thể tưởng tượng rằng mình là nhà vô địch trên đường đua, nhưng tôi đã thất bại trong việc thể hiện trách nhiệm của mình. Nhưng nhờ thế, mà tôi quyết định rằng từ bây giờ, tôi sẽ luôn là một người đi xe tốt hơn trên đường phố.

Và việc này thì đúng là tôi làm vì Beth.

Nhận xét